Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

HÔM NAY, TRÒN 40 NĂM TÔI ĐẠP XE ĐI BÁN BÁNH MÌ Ở SÀI GÒN

“Hôm nay là ngày vui của cả nước, cũng là ngày vui của tôi nữa, vì đã tròn 40 năm kể từ ngày tôi bán bánh mì ở Sài Gòn...”, bà Năm chia sẻ.  

“Hôm nay là ngày vui của cả nước, cũng là ngày vui của tôi nữa, vì đã tròn 40 năm kể từ ngày tôi bán bánh mì ở Sài Gòn, bao nhiêu vui buồn ở góc đường này, còn người dân ở đây là gia đình của tôi”, bà Năm chia sẻ. Bà Năm tên thật là Sơn Thị Hiên (82 tuổi, P.25, Q. Bình Thạnh). Ngày nào cũng vậy, đúng 5h sáng bà đều đạp xe ra góc đường đối diện Nhà văn hóa Thanh Niên (Phạm Ngọc Thạch, Q.1) để bán bánh mì, mỗi ngày bà bán từ 60-100 ổ bánh mì kẹp chả lụa, cá hộp, trứng chiên hay xúc xích. Mỗi ngày nếu bán hết, bà lời khoảng 100.000 đồng, bà ngồi ở góc đường này đến khi nào hết bánh mì thì về. Nhưng về nhà thì chỉ có một mình, bà lại ra đây ngắm phố phường, ngắm dòng người qua lại.

“Cứ như thế 40 năm nay, thay hơn 20 chiếc xe đạp, tôi chẳng nghỉ một ngày vì nghỉ thì nhớ phố, nhớ mọi người. Tôi là người Khmer, ở đây ai cũng đối xử tốt với tôi. Mấy chú ở phường cũng hỗ trợ tôi nhiều lắm, họ cho tôi vào hội người cao tuổi, để được lãnh tiền trợ cấp từng tháng, nhờ vậy cuộc sống của tôi đỡ vất vả hơn” - bà Năm chia sẻ.
 Bất kể nắng mưa, 40 năm qua cứ 3h sáng bà đi chợ mua nguyên liệu rồi về chuẩn bị, đến 5h là bà có mặt tại góc đường quen thuộc này.

Trong những ngày gần kề 30/4, người ngoài phố thưa dần, cả những người bán hàng rong xung quanh bà cũng lần lượt nghỉ bán, phần vì về quê, phần vì vắng khách. Bà một mình một góc, nhớ về ngày Giải phóng năm xưa, cũng chính con đường này, người người reo vang, cờ hoa ngập phố, bà cũng hòa vào dòng người tự do ấy mà reo vui với nhiều hoài bão về một cuộc sống hòa mình, no ấm.

Thuở con gái, bà từ Trà Vinh lặn lội tìm việc làm khắp các tỉnh thành, 20 tuổi, bà không biết tương lai mình ra sao, ai thuê mướn gì thì bà làm. Bà bồi hồi: “Ở đâu cũng có cái khó của nó, đặc biệt ngày xưa con gái mà đi nhiều như vậy rất mang tiếng, nhưng không mảnh đất nào chịu cho bà ở lại, mãi khi đến Sài Gòn cưu mang bà, cho bà những ngày tháng ấm áp”.

Theo bà Năm, người Sài Gòn luôn dung dị và tình cảm, bà biết bánh mì của mình bán không ngon như ở các tiệm xung quanh, nhưng mọi người vẫn ra đây ủng hộ bà, có nhiều người còn tặng bà luôn phần tiền thừa, có người rảnh rỗi chia sẻ với bà hết chuyện này đến chuyện khác, dù là khách quen hay lần đầu tiên gặp gỡ.

 Gánh hàng nhỏ phía sau xe với những nguyên liệu đơn giản nhưng là nguồn thu nhập chính của bà Năm mấy mươi năm qua.

Cô Nguyễn Kim Loan (46 tuổi, bán nước) chia sẻ: “Bà Năm dễ gần và thích nói chuyện với mọi người lắm. Tuy buôn bán cực khổ, nhưng gặp con nít hay người nghèo là bà lại cho bánh mì, có nhiều người góp ý rằng cứ cho hoài thì tiền đâu mà sống nhưng bà chỉ cười trừ”.

Các cụ già gặp bà thì ôn lại kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm ấy. Bà cùng họ nhắc lại sự thay đổi của đất nước, từ những con đường ngày xưa toàn đất đá, xa xa phía đường Trần Cao Văn tệ nạn rất nhiều, những cô gái thiếu tiền sẵn sàng ra đây “bán vốn sẵn có”… Thế mà bây giờ nhà cửa khang trang, tệ nạn đã được đẩy lùi, bà cũng yên tâm ngồi đây kiếm sống qua ngày. Rồi những người trẻ từ các nơi lên Sài Gòn kiếm sống, hôm được nhiều tiền thì cười khì khì với bà, hôm cạn túi thì ra than thở, trách Sài Gòn phụ bạc không chào đón họ, rồi họ từ giã bà để đến miền đất tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, theo bà Năm, đó là vì họ chưa biết cách tự làm cho mình hạnh phúc.
 Từ sáng đến trưa bà chỉ bán được mươi ổ, nhưng bà không lấy đó làm buồn mà "tận dụng" những lúc vắng khách để nhìn ngắm phố phường.
Tuy đã 82 tuổi nhưng bà năm luôn lạc quan và yêu đời, khi thấy máy ảnh hướng về phía mình, bà cười: "Chụp cho bà kiểu này đi, nhìn cho trẻ".

Như lúc này đây, khi bạn hàng đã nghỉ hết, người người về quê, đường trống trơ, trống hoắc, bà chỉ bán được mươi ổ bánh mì. Bà vẫn cười hiền hậu “Bán ế mới có thời gian nhìn ngắm phố phường, ngắm đèn, ngắm hoa, đó cũng là một niềm vui. Hôm nay có thể sẽ như hôm qua, tôi cũng còn chục ổ bánh mì không bán được, thể nào cũng có mấy đứa nhỏ đến xin, tôi cho chúng để mau hết, tụi nó có cái ăn, mình được về nhà. Điều này chẳng có gì phải bận tâm, người ta mua ủng hộ tôi, tôi cho lại mọi người xung quanh, ai cũng vui hết, mấy chục năm nay đều vậy mà”.

Tuy nhiên, vì không chồng không con, bà không có nhiều điều để kể, để khoe. Chỉ có thể khoe vào ngày lễ, khi người ta đi hội, đi xem pháo hoa, bà sẽ bán được gần 200 ổ bánh mì, tiền lời nhiều thêm chút ít. Với mọi người đó chỉ là đều bình thường, nhưng khi về căn nhà trọ trống trơ trống hoắc, nỗi cô đơn tràn vào, bà lại khóc, lại nhìn ra ánh đèn vàng vọt của Sài Gòn rồi tự nhủ "Thôi nín đi, Sài Gòn là nhà, có chi đâu mà khóc!"

Chị Trần Thị Hoa (Q.3), khách quen của bà Năm cho biết: “Bà Năm hiền hậu lắm, con tôi vừa học vừa tham gia CLB  tiếng anh ở Nhà văn hóa Thanh niên 2 năm rồi, nếu hôm nào cháu được về sớm, nó đều ra bà Năm ngồi với bà để đợi tôi, dù cháu ăn bánh mì hay không bà vẫn thích, bây giờ tôi kêu cháu gọi bà là bà ngoại để bà vui”.

Đối với bà Năm, dù có khó khăn, dù mọi người đã về quê nhưng Sài Gòn vẫn bên cạnh bà.

Sài Gòn cờ hoa, Sài Gòn luôn mở rộng vòng tay với người con đất khách. Tuy nhiên, ít ai nặng nghĩa tình với Sài Gòn như bà Năm, họ tự tìm đến đây, thành công thì ở lại, thất bại họ lại đổ cho mảnh đất này, nhưng theo bà năm: “Sài Gòn không phụ ai cả, có chăng là họ bỏ Sài Gòn mà đi”.

 Theo Phạm An / Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét